Ngành thép đối diện cạnh tranh khốc liệt

Đăng ngày 25/11/2022 lúc: 21:46
DSC_8859

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp sản xuất thép ở Việt Nam đang phải đối mặt với tương lai khá u ám do cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt, một báo cáo của cơ quan thuộc Bộ Công Thương cảnh báo.

Báo cáo này, do Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương chuẩn bị, cho biết năm nay các doanh nghiệp ngành thép sẽ phải cạnh tranh vô cùng gay gắt bởi thép nhập khẩu từ một số nước vào Việt Nam đã được giảm thuế rất nhiều so với trước đây.

Khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương có hiệu lực sẽ tạo ra sức ép từ các quốc gia có thế mạnh về thép như Hàn Quốc, Nga, Belarus… lên ngành thép Việt Nam. Ngoài ra, việc hàng loạt dây chuyền sản xuất thép dài ra đời như Vinakyoei, Posco SS, Formosa cũng góp phần tăng cung mạnh,  tạo áp lực lớn.

Bộ Tài chính đã  ban hành thông tư số 161/2011/TT-BTC có hiệu lực từ 1-1-2015 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018. Theo đó, thuế suất nhập khẩu một số sản phẩm thép, quặng sắt, hợp kim… giảm xuống còn 0%.

Báo cáo nhận định, việc cắt giảm sâu thuế quan của Việt Nam giai đoạn 2015-2018 sẽ tác động mạnh và tạo ra nhiều thuận lợi cũng như thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nước.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2014, lượng thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến 11 triệu tấn, tăng 105% so với năm 2013. Trong số này có đến 4,78 triệu tấn thép Bo – được hưởng thuế suất thấp do được phân loại vào nhóm thép hợp kim – được sử dụng làm thép xây dựng. Loại thép này được tung ra thị trường bán với giá thấp hơn thép xây dựng trong nước từ 1 – 2 triệu đồng/tấn. Hệ quả là nhiều nhà máy thép trong nước phải giảm công suất, có nơi đến 60%, thậm chí có nhà máy thép không đủ sức cạnh tranh đã phải đóng cửa hoặc giải thể.

Theo Bộ Công Thương, sức tiêu thụ trong nước mặt hàng thép trong hai tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 300.000 tấn, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng thép xây dựng bán ra trong hai tháng đầu năm – kể cả xuất khẩu – của các thành viên Hiệp hội là 645.204 tấn, tăng 7,38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo dự báo thị trường thép sẽ sôi động vào quí 2 khi thời tiết ấm lên và khô hơn, nhu cầu tiêu thụ thép sẽ mạnh lên. Tuy nhiên, giá không có triển vọng tăng do nguồn cung dư thừa, sản lượng tăng, nhập khẩu lớn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng tiêu thụ thép năm nay của Việt Nam chỉ xấp xỉ 6 triệu tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ; mức tăng trưởng đạt từ 4 – 5%, tuy nhiên mức tăng chủ yếu do đẩy mạnh xuất khẩu từ các mặt hàng như tôn mạ màu, mạ kẽm, thép ống các loại. Song công suất thép xây dựng của các nhà máy trên cả nước hiện lên đến 11 triệu tấn, vượt gần gấp đôi nhu cầu và đang tạo sức ép cạnh tranh vô cùng lớn với các doanh nghiệp trong ngành.

Báo cáo của cơ quan thuộc Bộ Công thương cho rằng, để ngành thép trong nước phát triển ổn định thì Chính phủ cần mở cửa cho các doanh nghiệp tư nhân đấu thầu cạnh tranh cung cấp thép cho các công trình có vốn nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tạm dừng việc cấp giấy phép đối với những nhà máy sản xuất thép mới.

Cơ quan này cũng kiến nghị hạn chế nhập thép giá rẻ. Bộ Công Thương cần có biện pháp giải quyết, áp thuế cho loại thép Bo giống như các loại thép khác để tránh tình trạng trục lợi từ chính sách này dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Rate this post
Nếu bạn cần tư vấn thêm, hãy gọi ngay chúng tôi: 0966 296 696 nhé!

Trả lời

Contact Me on Zalo
0966 296 696